Nhớ Thầy Nguyễn Ngọc Huy -Trần Việt Hải

Nhớ Thầy Nguyễn Ngọc Huy Lần giỗ thứ 21, tại San Jose, ngày 6 tháng 8, năm 2011

 

Nhớ Thầy Nguyễn Ngọc Huy Lần giỗ thứ 21, tại San Jose, ngày 6 tháng 8, năm 2011.

Trưa ngày thứ Bảy, 06 tháng 8, 2011 hội trường của Trung Tâm Văn Hóa Việt Mỹ, tọa lạc tại 2290 Tully Road, San Jose, đầy ắp quan khách tham dự. Đảng Tân Đại Việt do bác sĩ Mã Xái lãnh đạo, cùng các tổ chức bạn như Đại Gia Đình Nguyễn Ngọc Huy, Nguyễn Ngọc Huy Foundation, Đại Việt Quốc Dân Đảng, Liên Minh Dân Chủ Việt Nam, Ủy Ban Hoàng Sa, Liên Đoàn Cử Tri Bắc Cali và Hội Cao Niên Diên Hồng đã tổ chức Lễ Tưởng Niệm Cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy thật trọng thể, cùng một hội luận chính trị sau đó, trong bài viết Thư Cho Con, Giáo sư Trần Minh Xuân ghi nhận những chi tiết về buổi lễ này. Tôi xin trích đoạn mà ông đã viết như sau:

 
“…nghi thức tưởng niệm lần thứ 21 cố Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy qua đời được bắt đầu với phần niệm hương trước bàn thờ Tổ Quốc có thiết đặt di ảnh người quá cố và ông Hoài Sơn Ung Ngọc Nghĩa [xem hình] được mời lên diễn đàn kể lại cuộc đời và sự nghiệp đấu tranh cho một nước Việt Nam Ðộc lập, Tự do, Dân chủ Hiến định và Pháp trị của cố Giáo sư. Ðược biết ông Hoài Sơn là người bạn sát cánh đấu tranh với cố Giáo sư kể từ ngày đầu hai người tham gia Ðảng Ðại Việt do Ðảng trưởng Trương Tử Anh lãnh đạo. Ông nói:

“Giáo Sư Huy sanh năm 1924, mất năm 1990, thọ 66 tuổi. Trong 66 năm của cuộc đời, ông đã tranh đấu liên tiếp không ngừng trong 45 năm trời, từ năm 1945 đến năm 1990, năm ông lìa đời. Vì ông là người có tài, có đức, có chí lớn, lại tranh đấu lâu năm như vậy nên các đồng chí và các môn sinh của ông rất đổi kính phục ông. Vì đó, năm nào đến ngày giỗ của ông, họ cũng đều làm lễ tưởng niệm rất trọng thể, không những tại trong nước, tại Hoa Kỳ, tại Canada, tại Âu Châu, mà cả tại Úc Châu nữa”…”

Thật vậy, Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy là một nhà ái quốc, một chí sĩ suốt đời phục vụ những lý tưởng cho dân tộc Việt Nam, những điều tốt về ông đã được các học giả, các sử gia, các bình luận gia hay các đồng chí của ông đề cập khá nhiều. Bài viết này nhằm tổng hợp đôi nét chính do các tác giả Trần Nguyên, Nhữ Đình Hùng, Trần Minh Xuân, Mai Thanh Truyết và Phan Văn Song đã nhận định về ông.

Tôi có dịp học môn chính trị học do Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy diễn giảng tại đại học Kinh Tế và Thương Mại Minh Đức, cảm nhận lãng vãng trong trí nhớ của tôi về người thầy cũ này là ông có nụ cười hiền hòa, là một nhà hùng biện với kiến thức uyên thâm, say mê diễn giảng rất suôn sẽ những bài giảng, những sinh viên chúng tôi im lặng chăm chú nghe ông nói, ông có trí nhớ dai, những sự kiện về chính trị Việt Nam và thế giới, ông am tường như bộ nhớ của máy điện toán, khi chúng tôi trò chuyện hay nêu lên những thắc mắc, ông thân thiện giải đáp hay thảo luận rất cởi mở.

Năm 1990 Giáo Sư Huy qua đời ở Pháp khi sang tham dự buổi họp quan trọng của Liên Minh Dân Chủ Việt Nam do ông thành lập, năm nay nhân lễ kỷ niệm lần thứ 21, tôi cùng các bạn đồng môn Cao Thái Hải và Lưu Tấn Xuân tham dự lễ giỗ tại Bắc Cali và thắp nhang để tưởng nhớ đến vị thầy khả kính, người đã cống hiến trọn cuộc đời cho quốc gia và dân tộc Việt Nam. Điểm cần nêu lên thầy Huy còn là một nhà văn biên khảo, viết khảo luận về những chủ đề chính trị, luật pháp, xã hội,… và làm thơ dưới thi hiệu Đằng Phương. Thầy Huy tham gia chính trị năm 21 tuổi, thơ ông nói lên bầu nhiệt huyết vì quê hương, những khát vọng như lẽ sống của tuổi trẻ đấu tranh cho sự tự do, nhân quyền và dân chủ cho nước nhà, thơ rằng:

“Tranh đấu cho dân tộc sống còn,
Liều mình để phục vụ giang sơn !
Đó là lẽ sống người trai Việt,
Muôn thuở không sờn dạ sắt son”

Bốn câu thơ trên trong bài Lẽ sống, được trích ra từ Tập thơ Hồn Việt. Trong cùng thi tập này ông cho những dòng thơ gởi các bạn đồng lý tưởng, ông kêu gọi mọi người hãy chung tay vì đại cuộc:

“Hỡi những bạn đồng hành chung lý tưởng,
Chung nguyện thề,chung ước vọng cùng nhau,
Hồn mân mê một mục đích cao sâu,
Lòng dào dạt một mối tình sông núi”

Tham khảo bài viết “Nhân tài xứ bưởi Biên Hòa: Giáo Sư Nguyễn Ngọc” của tác giả Trần Nguyên cho phần tiểu sử của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy như sau:

 
“Ông sanh vào ngày 2 tháng 11 năm 1924, quê tại Mỹ Lộc, quận Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa.

Văn bằng:
– 1963: Tiến Sĩ Chánh Trị Học, Trường Đại Học Luật Khoa & Kinh Tế Paris. Luận án: “Đề tài người ưu tú trong tư tưởng chánh trị Trung Quốc cổ thời”

– 1960: Cao Học Chánh Trị, Trường Đại Học Luật Khoa & Kinh Tế Paris.

– 1959: Cử Nhơn Luật Khoa và Kinh Tế, Viện Đại Học Paris.

– Tốt nghiệp Viện Nghiên Cứu Chánh Trị  Đại Học Paris.

– Tự học thi đậu bằng Tú Tài.

– Học sinh trường Pétrus Trương Vĩnh Ký, thi đậu bằng Trung Học. Một trong học sinh đậu xuất sắc nhứt tại Đông Dương (xem phim tài liệu về Thân Thế & Sự Nghiệp Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy / Câu Lạc Bộ Đằng Phương thực hiện năm 2007).

Chức vụ:

* Trong Ngành Giảng Huấn:

– Từ 1976: Phụ Khảo tại Trường Đại Học Luật Khoa Harvard (Hoa Kỳ).

– 1965-1975: Giáo Sư Chánh Trị Học và Luật Hiến Pháp ở Học Viện Quốc Gia Hành Chánh tại Sài Gòn, Trường Đại Học Luật Khoa và Khoa Học Xã Hội tại Cần Thơ, Trường Đại Học Sư Phạm tại Sài Gòn, Trường Đại Học Luật Khoa tại Huế. Ngoài ra còn giảng dạy tại các Trường Đại Học Đà Lạt, Vạn Hạnh, Minh Đức, Minh Trí… và ở Trường Cao Đẳng Quốc Phòng, Trường Chỉ Huy Tham Mưu Cao Cấp, Trường Đại Học Chiến Tranh Chánh Trị.

– 1967-1968: Khoa Trưởng Luật Khoa và Khoa Học Xã Hội tại Cần Thơ.

Trong Chánh Quyền:

– 1973 và 1968-1970: Nhơn viên phái đoàn tham dự thương thuyết Hòa Đàm Paris.

– 1967: Hội Viên Hội Đồng Dân Quân.

– 1964: Đổng Lý Văn Phòng Phủ Phó Thủ Tướng Đặc Trách Bình Định.

Hoạt Động Chánh Trị:

– Từ 1986: Hội Viên Ủy Ban Danh Dự của Ủy Ban Quốc Tế Yểm Trợ VN Tự Do.
– Từ 1981: Chủ Tịch Ủy Ban Chấp Hành Trung Ương Liên Minh Dân Chủ Việt Nam.
– 1973-1975: Đồng Chủ Tịch Liên Minh Quốc Gia Dân Chủ Xã Hội (gồm 6 đảng).
– 1969-1975: Tổng Thơ Ký Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến.
– 1964-1990: Thành lập đảng Tân Đại Việt và là lãnh đạo đảng cho đến năm 1990.
– 1945-1964: Đảng viên Đại Việt Quốc Dân Đảng và tham dự Ủy Ban Chấp Hành Trung Ương năm 1948.

Tưởng Lục:
– WHO’S WHO đông bộ Hoa Kỳ, ấn bản lần thứ 18, 1981-1982.
– Giải thưởng của Viện Đại Học Paris trao luận án Tiến sĩ xuất sắc nhất trong năm.

Chuyên Môn:
– Luật Hiến Pháp, Tư Tưởng Chánh Trị, Định Chế Chánh Trị, Bang Giao Quốc Tế.
– Thông thạo ngôn ngữ Việt, Pháp, Anh và Hán văn.

Tác phẩm:

* Tiếng Việt:

1. HỒN VIỆT, thơ, Sài Gòn, 1950, tái bản ở Paris năm 1984.

2. QUỐC TRIỀU HÌNH LUẬT (Quyển A), Việt Publisher, Canada, 1990.

3. DÂN TỘC SINH TỒN, chủ thuyết của Đại Việt Quốc Dân Đảng, được bổ túc, phong phú hóa và thâu nhận các nguyên tắc tự do dân chủ, (2 quyển), Sài Gòn, 1964.

4. DÂN TỘC HAY GIAI CẤP ?

5. BIỆN CHỨNG DUY XẠO LUẬN (Trào phúng).

6. CÁC ẨN SỐ CHÁNH TRỊ TRONG TIỂU THUYẾT VÕ HIỆP KIM DUNG, Thanh Phương Thư Quán, San Jose, Hoa Kỳ, 1986.

7. HÀN PHI TỬ: bản dịch ra Việt ngữ tác phẩm của Hàn Phi, nhà lý thuyết trứ danh của học phái Pháp Gia Trung Quốc, (2 quyển), Lửa Thiêng, Sài Gòn, 1974.

8. LỊCH SỬ CÁC HỌC THUYẾT CHÁNH TRỊ, Cấp Tiến, Sài Gòn, 1970-1971.

9. ĐỀ TÀI NGƯỜI ƯU TÚ TRONG TƯ TƯỞNG CHÁNH TRỊ TRUNG QUỐC CỔ THỜI, bản dịch Luận án Tiến sĩ viết bằng tiếng Pháp, Cấp Tiến, Sài Gòn, 1969.

10. Tên Họ Người Việt Nam . Mekong-Tỵnạn, California, USA

– Cùng viết với Gs Trần Minh Xuân (2 cuốn 11 và 12 trong danh sách này):

11. Hiệu đính và chú thích LỤC SÚC TRANH CÔNG. Đi tìm tác giả và dụng ý chánh trị trong tác phẩm. Mekong-Tỵnạn, California, USA, 1991.

12. HỒ CHÍ MINH: TỘI PHẠM NHƠN QUYỀN VIỆT NAM. Mekong-Tỵnạn, USA, 1992.

* Tiếng Pháp:

13. POUR UNE NOUVELLE STRATÉGIE DE DÉFENSE DU MONDE LIBRE CONTRE L’EXPANSION COMMUNISTE, Alliance Pour La Démocratie Au Vietnam, Paris, 1985.

* Tiếng Anh:

14. THE LÊ CODE: LAW IN TRADITIONAL VIETNAM, bản dịch ra tiếng Anh và chú thích bộ QUỐC TRIỀU HÌNH LUẬT, tục danh LUẬT HỒNG ĐỨC của nhà Lê (1428-1788), Ohio University Press, Hoa Kỳ, 1987 – cùng viết với Gs Tạ Văn Tài và Gs Trần Văn Liêm –

15. A NEW STRATEGY TO DEFEND THE FREE WORLD AGAINST COMMUNIST EXPANSION, Alliance For Democracy In Vietnam, 1985.

16. PERESTROIKA OR THE REVENGE OF MARXISM OVER LENINISM, Việt Publisher, Canada, 1990.
Cùng viết với Gs Stephen B. Young (2 cuốn 16 và 17 trong danh sách này)

17. UNDERSTANDING VIETNAM, do T.D.T. Thomason xuất bản, The Displaced Persons Center Information Service, Bussum, The Netherlands.

18. THE TRADITION OF HUMAN RIGHTS IN CHINA AND VIETNAM, Yale Southeast Asia Studies, The LẠC VIỆT Series, New Haven, CT, USA, 1990.

Bài Đăng Báo:

* Tiếng Việt:

– 1947-1990: Bài nhận định Tình Hình Thế Giới Trong Tháng Vừa Qua cùng nhiều bài báo về văn hóa & chánh trị Việt Nam trên nhiều tờ báo tiếng Việt ở trong và ngoài nước, như TỰ DO DÂN BẢN,  ĐƯỜNG MỚI, MEKONG-TỴNẠN, SAIGON, THẰNG MÕ, HỒN VIÊT, HƯỚNG VIỆT, DIỄN ĐÀN VIỆT NAM, CẤP TIẾN, DÂN QUYỀN, LỬA THIÊNG, QUỐC PHÒNG, ĐUỐC VIỆT, THANH NIÊN …

* Tiếng Pháp:

– LA FRANCE ET LE VIETNAMIEN PARTISAN DE LA DÉMOCRATIE LIBÉRALE, trong ĐƯỜNG MỚI, Pháp Quốc, số 4, 1985.

– LE CODE DES LÊ, nhận xét về bản dịch bộ luật nhà Lê ra tiếng Pháp của Ông Deloustal và về niên biểu ấn hành của bộ luật này, trong BULLETIN DE L’ÉCOLE FRANCAISE D’EXTRÊME ORIENT, Quyển LXVII, Pháp Quốc, 1980.

* Tiếng Anh:

– Cùng viết với Gs Tạ Văn Tài: THE VIETNAMESE LEGAL TEXTS, trong THE LAW OF SOUTH-EAST ASIA, Quyển 1, THE PRE-MODERN TEXTS, do M.B. Hooker xuất bản, Butterworth & Co, 1986.

– LIMITS ON STATE POWER IN TRADITIONAL CHINA AND VIETNAM, trong THE VIETNAM FORUM, Ban Nghiên Cứu Đông Nam Á Châu của Đại Học Yale, Hoa Kỳ, số 6, Hè-Thu 1985.

– THE MING CODE IN VIETNAMESE LEGAL HISTORY: ITS INFLUENCE ON THE VIETNAMESE CODES AND OTHER LEGAL DOCUMENTS, trong MING STUDIES, số 19, Thu 1984.

– ON THE PROCESS OF CODIFICATION OF THE NATIONAL DYNASTÝS PENAL LAWS, trong THE VIETNAM FORUM, Ban Nghiên Cứu Đông Nam Á Châu của Đại Học Yale, Hoa Kỳ, số 1, Đông-Xuân 1983.

– THE PENAL CODE OF VIETNAM’S LÊ DYNASTY, trong STATE AND LAW IN EAST ASIA, để kỷ niệm ngày Ông Karl Bunger trí sĩ, do Dieter Eikemeier và Herber Franke xuất bản, Otto Harrassowitz, Weisbaden, 1981. ”

Trong bài viết của tác giả Nhữ Đình Hùng mang tựa “Tưởng Niệm Cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy” ghi nhận là về sau vì những quan điểm dị biệt nên trong nội bộ của tổ chức Đại  Việt, Giáo Sư Huy đã cùng với xứ bộ miền Nam thành lập Tân Đại Việt. Kết hợp nhiều nhân sĩ, Giáo Sư Huy đã cho thành lập Phong Trào Quốc Gia CấpTiến mà lập trường của Phong Trào là ủng hộ chánh phủ quốc gia Việt Nam Cộng Hòa trong mọi nỗ lực chống Cộng Sản, tuy Phong Trào không tham chánh, nhưng có những đóng góp xây dựng và đòi hỏi chánh phủ phải thực thi dân chủ và bài trừ nạn tham nhũng, nạn bè phái trong guồng máy chánh quyền.

Rồi từ năm 1965, ông làm giáo sư cho Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, phụ trách dạy môn Chánh Trị Học và Luật Hiến Pháp. Ông còn là giảng viên cho nhiều viện đại học khác như Đại Học Đà Lạt, Huế, Cần Thơ, Vạn Hạnh, Minh Đức và Đại học Sư Phạm Sài Gòn. Ông cũng được mời làm giảng viên chánh trị cho các trường quân sự như Trường Cao Đẳng Quốc Phòng, Trường Tham Mưu Cao Cấp, và Trường Đại học Chiến Tranh Chính Trị; Ông làm Khoa trưởng Trường Đại học Luật Khoa và Khoa Học Xã Hội Cần Thơ vào năm 1967, tham dự phái đoàn hoà đàm Paris 1968 và 1973.

Sau khi VNCH mất, từ năm 1975 ông làm chuyên gia khảo cứu cho Viện Đại Học Harvard, tham dự việc dịch bộ luật Hồng Đức ra anh ngữ và lo việc chú thích bộ luật này. Trong khi đó, ông vẫn tiếp tục việc tranh đấu tích cực chống Cộng Sản, liên kết với các nhân sĩ,cựu đồng chí, môn đệ và những người yêu nước để thành lập Liên Minh Dân Chủ Việt Nam từ năm 1981 và liên tục hoạt động cho đến khi từ trần vào ngày thứ bảy 28/7/90 vào lúc 9giờ 30 tối tại nhà một đồng chí ở Paris, trong lúc ông đang chuẩn bị tham dự Đại hội LMDCVN thế giới kỳ I.

Những nhà đấu tranh thường bôn ba lưu lạc đó đây như Phan Bội Châu, Tạ Thu Thâu, Nguyễn An Ninh hay Trương Tử Anh, Thầy Huy cũng rầy đây mai đó, ông cổ xúy cho những nguyên tắc tự do và dân chủ hợp hiến, tránh nạn độc tài và thể chế trọng việc đề cao lãnh tụ, cá nhân ông xác định rõ lập trường không tham chính tìm kiếm địa vị, chức tước hay quyền thế trong chính quyền, theo một cách nhìn nào đó nếu ông có làm được điều gì thì như một chiến sĩ vô danh mà thôi, ông sống với cái lý tưởng cao cả của mình, hãy nghe ông tâm sự trong thơ:

“Tranh đấu cho dân tộc sống còn,
Liều mình để phục vụ giang sơn,
Đó là lẽ sống người trai Việt,
Muôn thuở không sờn dạ sắt son”

Mỗi công dân trong xã hội lựa chọn cho mình những hướng đi riêng, những lý tưởng sống riêng, Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy trưởng thành trong tấm lòng nồng nàn với quê hương, một tình yêu chân chất cho Tổ Quốc hay cho Mẹ Việt Nam theo nghĩa rộng. Những bài tham luận ưu tư về nước nhà, những vần thơ đầy ắp tình quê hương, đầy rung động với hồn Việt Nam đã được ông ký thác nỗi lòng. Cái thua thiệt của những tâm hồn hy sinh vì đại sự, khi tổ quốc đè nặng bờ vai, có thể tâm thức họ bị ray rứt phải xa lìa mẹ cha, xa xăm vợ con hay xa vắng chồng con, xa cách gia đình dù là nhỏ hay lớn, cái tình yêu nhỏ của lứa đôi phải nhường cho tình yêu lớn của quốc gia, của đại nghĩa mà bao anh hùng liệt nữ của dân tộc hay những chiến binh Việt Nam Cộng Hòa phải chấp nhận một nguyên tắc chung, dù nó tiềm ẩn từ sự chọn lựa bị ràng buộc bởi nội tâm, một qui luật bất thành văn của tình yêu quê hương đất nước. Thầy Huy của tôi làm thơ tạ lỗi với mẹ già vì phải lặn lội ly hương vì đất nước mà đã không làm tròn được chữ hiếu, hiếu đạo không tròn khiến cho con người trở nên đau khổ:

“Đời cách mạng tự bao lâu bôn tẩu,
Để mẹ già sống cực nhọc lầm than,
Trước những giòng lệ ngọc ứa chan chan,
Lòng con há dửng dưng không cảm xúc,
Nhưng cũng đã trót làm cho mẹ khóc”

Thầy Huy bộc bạch ý tưởng tiếp trong “Lời nguyện cầu của những kẻ làm cho Mẹ khóc”:

“Và con sẽ phải làm cho mẹ khóc,
Hỡi quê hương, hỡi đất nước thân yêu,
Dầu gian truân khổ cực bao nhiêu,
Chúng tôi vẫn sẵn sàng nhận lấy,”

Tình mẫu tử này xin dành cho tình yêu non sông gấm vóc để ngày mai toàn dân Việt Nam được hưởng quang cảnh thái bình:

“Chỉ mong ước một ngày mai được thấy,
Cả non sông giống Việt hết điêu linh,
Cả toàn dân giống Việt được thanh bình,
Và chỉ dẫu một ngày hay một buổi.”

Lời thơ như khẩn thiết van xin người hãy thứ lỗi cho người con nhất nguyện chốn dương trần mang lại tự do, công bình và bác ái, những lý tưởng mà Mẹ Việt Nam có lẽ đã thấu hiểu và thông cảm hơn ai hết:

“Dẫu một phút hay một giây ngắn ngủi
Được như lời nhất nguyện chốn dương trần,
Còn có cơ quì dưới gối từ thân,
Để khẩn thiết cúi xin người thứ lỗi”

Tôi xem bài viết của Giáo Sư Phan Văn Song gởi đi từ Pháp trong bài “Tháng Bảy, nhớ Chú Ba”, thân phụ của Giáo Sư Song là một đồng chí chí thân với Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy, nên trong sự gần gủi đó Giáo Sư Song ghi nhận:

“Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy là nhà thơ, một nhà văn, một nhà nghiên cứu khoa học chánh trị, một nhà bình luận chánh trị, và ông cũng là một nhà giáo, và một nhà mô phạm lớn. Ngoài tài đức của một nhà mô phạm, ông lại là một lãnh đạo chánh trị biểu hiện được đức tín của người xưa.

Chính cái đạo đức, tư cách, tấm lòng, nếp sống của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy đã tạo cho các người lãnh đạo Đảng ngày nay một tấm gương sáng, để trông vào gương là cấp dưới tuân thủ mà không cần đến nghiêm lịnh.

Ngoài cái đức theo nghĩa đạo lý kia. Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy còn hội đủ những đức tánh theo quan niệm đạo lý chánh trị thời xưa: lập Đức, lập Ngôn, lập Công. Tôi đã nhiều lần nói đến đức tánh ấy của Giáo Sư. Hôm nay tôi xin lặp lại để quý đồng chí, quý chiến hữu nhớ và trông vào cái gương sáng của Người.

Lập Đức, có lẽ không một ai hoài nghi về đức độ và lòng bao dung của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy đối với chiến hữu, với bạn bè và cả với mọi người anh em quen biết xa gần.

Lập Ngôn, hay lập Thuyết phải nói đến nền tảng của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy là Dân chủ. Mà Dân chủ nào? Ông không bao giờ nói đến Dân chủ đa nguyên. Dân chủ đương nhiên là đa nguyên rồi. Dân Chủ mà ông khai triển để lập chánh thuyết cho đoàn thể của ông từ trước năm 1975 ở Việt Nam là Dân chủ Pháp trị và Dân chủ dân bản.

Còn nói về lập Công, nếu ngày trước, Đại Việt Quốc Dân Đảng đã tin tưởng và giao cho ông những chức vụ then chốt để cuối cùng ông trở thành vị lãnh đạo, thì sau ngày ra hải ngoại, ông ráo riết xây dựng một dư luận chánh trị Việt Nam cho cuộc đấu tranh giải phóng quê hương. Ông có cái nhìn tổng hợp, theo định hướng thực hiện ba yếu tố, mà người ta gọi đó là công án hay phương trình Nguyễn Ngọc Huy: hải ngoại – quốc tế – quốc nội.”

Kế đến, Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết, một thành viên cốt cán trong Đại Việt Quốc Dân Đảng, đã viết bài tham luận “Kỷ niệm về Anh Ba năm 2011”. Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy là người con thứ ba trong gia đình nên trong tình thân, những đàn em ông gọi ông là “anh Ba Huy”. Tiến Sĩ Truyết đề cập về đảng Đại Việt và Con đường đang đi. Đại Việt nguyên thủy là mẫu số chung trước khi mẫu số chung này được chia ra 3 tổ chức, mà có thể được hiểu như sự tế phân ra 3 “hệ phái” là Đại Việt Quốc Dân Đảng, Tân Đại Việt và Đại Việt Cách Mạng Đảng.

Nếu như trên bước đường tranh đấu, vì chủ trương hay phương pháp khác nhau mà tách ra, Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy vẫn luôn luôn tôn trọng các bạn đồng hành theo đuổi chung một mục tiêu chính yếu là chống chế độ Cộng sản độc tài và cùng các đoàn thể anh em phụng sự những lợi ích chung cho quê hương dân tộc. Bài đường thi Hai Ngã trong thi tập Hồn Việt, trang 83, Thầy Huy cho thấy dù đi khác nẻo đường, khác phương thức, tình anh em cùng một Mẹ Việt Nam, vẫn chia sẻ điểm chung là phục vụ quê hương:

“Ví dẫu đang đi khác nẻo đường,
Ta cùng lo phụng sự quê hương,
Ngày mai mới biết trong hai ngã,
Đâu đã đem về được ánh dương !
Em cứ đường em, anh nẻo anh,
Miễn sao chung một ý chơn thành,
Ta cùng bền chí lo tranh đấu,
Đến lúc san hà rạng vẻ thanh”

Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết ghi nhận tiếp sự kiện của quá khứ khi Cố Đảng Trưởng Trương Tử Anh khai sáng và xây dựng Đại Việt khi Người vừa mới 25 tuổi, nhưng đã có khả năng tạo lập thuyết “Dân Tộc Sinh Tồn” (DTST) mang ý nghĩa:

“(a)  để làm khung cho nền tảng lý luận,
(b)  để điều hướng hoạt động đấu tranh vững mạnh cho các  mục tiêu chiến lược lâu dài, và
(d) để tạo điều kiện cho Đại Việt trường tồn đến ngày nay.

Trên trận tuyến đấu tranh chống CSVN hiện tại, Đại Việt có thể giương cao ngọn cờ DTST, đặt trên căn bản đầy tình tự dân tộc và nhân bản, làm đối lực đương đầu với chủ nghĩa CS vô thần, mị dân, với ảo tưởng dựng nên một nước VN xã hội chủ nghĩa mà ngay cả những người đề xướng ra cũng không xác định được xã hội chủ nghĩa cụ thể là gì.

Mỗi người trong chúng ta, dù có những suy nghĩ nào dị biệt đi nữa, cũng khó có thể phủ nhận được tính cách mạng đầy nhân bản của chủ thuyết DTST. Chính chủ thuyết nầy, theo quan điểm của riêng tôi, cho đến ngày hôm nay, vẫn còn là một đối trọng vững chắc, đối với ý thức hệ của chủ thuyết Cộng sản, để từ đó áp dụng vào các điều kiện thực tế Việt Nam, hầu thúc đẩy nhanh hơn tiến trình dân chủ hóa Việt Nam.

Đó là một xác quyết.

Chúng tôi muốn lập lại một lần nữa, trước tiến trình t0àn cầu hóa hiện nay, cùng với vai trò của từng quốc gia trên thế giới, dù muốn dù không, Việt Nam cần phải hội nhập vào cộng đồng nhân loại, trong đó chủ thuyết DTST có khả năng không phải để chuyển hóa, nhưng để xóa tan chủ nghĩa CS hiện đang cai trị Việt Nam.”

 
Theo tiến trình biến hóa của sự chuyển hướng của thế giới, sự sắp xếp mới của trật tự toàn cầu hóa hậu chiến tranh lạnh, tổ chức cần có những sự đổi thay cho thích ứng mới, Tiến Sĩ Truyết cho biết tiếp:

“Thuyết Dân Tộc Sinh Tồn (DTST) là một sự chuyển hướng lớn về luận thuyết của Đại Việt. Tên tuổi của GS Huy đã đựợc nằm trong danh sách những người khai sáng và tiếp nối truyền
thống Đại Việt. GS Huy còn đã đưa ra một số điều kiện cho sự sinh tồn trong luận thuyết biến cải cùng 2 hình thức tranh đấu dựa theo hai nguyên tắc đối nội và đối ngoại. Đó là hai hình thức tranh đấu bên ngoài thân và tranh đấu bên trong, với chính nôị tâm của mình.

(a)  Từ suy nghĩ trên, công cuộc tranh đấu của GS Huy được thể hiện dưới hình thức ôn hòa hay bạo động tuỳ theo trường hợp và tùy theo diễn biến của hòan cảnh chính trị quốc gia trong từng thời điểm vừa nói.
(b)  Từ sự nhận định những khả năng tranh đấu vừa nói, GS Huy đã khai triển thêm thành ba bước khác nhau như 3 định luật, để rồi căn cứ theo đó mà hành xử, tuỳ theo tình huống đang xảy ra. Đó là luật sức mạnh, luật biến cải, luật hợp quần và giáo dục.

1.  Luật sức mạnh, đứng trước thế phân cực mới trên thế giới, quả thật sức mạnh ngày hôm nay không còn căn cứ theo khả năng quân sự nữa, mà khả năng kinh tế mới là thước đo quyền lực tòan cầu. Thí dụ như TC với khả năng kinh tế vừa vượt qua Nhựt Bổn chiếm vị trí thứ hai sau Hoa Kỳ.

2.  Luật biến cải, cũng được GS giải thích là khả năng thích nghi theo hòan cảnh và điều kiện trong tình trạng xã hội lúc bấy giờ. Trước tình thế mới ngày hôm nay, cần phải vận dụng trí óc để thẩm định tình hình, để biến cải mọi hợp tác quốc gia, thì phải dựa theo quan điểm đồng thuận và đồng lợi cho đôi bên cùng có lợi (win-win situation) mà vẫn giữ được tính chất độc lập dân tộc.

3.  Luật hợp quần và giáo dục. Đây là một yếu tố nhập môn rất sơ đẳng, đã được giảng dạy từ những ngày đầu tiên của trẻ con miền Nam, trong chương trình giáo dục tiểu học, qua những câu chuyện ngụ ngôn trong sách quốc văn giáo khoa thư. Nhưng để thực hiện và áp dụng luật trên không phải dễ. Nhìn lại chính chúng ta, hiện tại bao nhiêu hệ phái của Đại Việt, đã thực sự làm suy yếu tiềm lực lớn lao của một Đảng, đã có quá trình tranh đấu lâu dài, và một thời đã được sự ngưỡng mộ và ủng hộ của đại khối dân tộc Việt Nam.”

>> Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy cho ấn hành tập thơ Hồn Việt, người thầy tôi sáng tác những bài thơ gởi gấm tâm sự lòng về vợ con, như trong thơ văn được xem như là thơ về tình yêu gia đình, hiền nội của thầy có nhủ danh là Dương Thị Thu, biệt hiệu Ngọc Ðiệp, đã qua đời vào năm 1974 trong một tai nạn tại bãi biển Vũng Tàu. Khi Cô Huy qua đời, mặc dù lúc đó Thầy còn ở tuổi trung niên đầy danh vọng và tài hoa, nhưng Thầy vẫn ở vậy nuôi con tôn thờ hình ảnh của người vợ hiền cho đến chết. Sự thủy chung nhỏ đến sự thủy chung lớn, giữa tình yêu đôi lứa và tình yêu quê hương, thầy đã chu toàn ý nguyện của mình.

“Ví phỏng đường đời có mấy ai
Hiền thê giả biệt bởi chẳng may
Trung niên khép kín vì đạo nghĩa
Thử hỏi trần gian có mấy tay?”

(VHLA, Nén hương lòng kính thầy)

Ngạn ngữ tây phương vẫn đề cao bóng hình người đàn bà hỗ trợ cho sự thành công của người đàn ông, với Thầy Huy ắt phải là sự cô đơn trong những năm tháng dài sống bất định, bề bộn chính sự rầy đó mai đây. Trong bài thơ “Nhớ Thu”:

“Đành phải từ đây chỉ một mình,
Trên đường nhiệm vụ rộng mênh mông,
Một mình nếm hết mùi cay đắng,
Trải hết vui buồn với nhục vinh”

Trên bước đường tranh đấu bôn ba nơi hải ngoại, Thầy đa đoan công việc và không có nhiều thì giờ dành cho người con, bài thơ gởi con dường như chất chứa sự dầy xéo tâm tư như sau:

“Đức bạc tài sơ trí thấp hèn,
Nhưng đường tranh-đấu phải bon chen,
Vì Ba không thể nhìn dân tộc,
Khổ sở điêu linh dưới bạo quyền.
Việc nước đa đoan bỏ việc nhà,
Trong khi lưu lạc cõi trời xa,
Để Con đau khổ trong cô độc,
Cha đã không tròn nhiệm vụ Cha”

Nhưng rồi người con trai ấy của Thầy đã mãn phần ở Hoa-Kỳ, cùng khi ấy Thầy đã mắc chứng bệnh ung thư ngặt nghèo. Cuộc đời bề bộn quốc sự khiến Thầy không được tĩnh  dưỡng đúng mức, trong những giây phút thầm kín, Thầy cho thấy qua thơ, đêm đêm cầu nguyện cho vợ, cho con:

“Và cứ đêm đêm lại nguyện cầu,
Hồn em siêu thoát cõi tiên châu,
Đợi Anh đến lúc tròn công quả,
Tìm đón Anh về tái hội nhau”

Và nhắn với người con trai cô đơn đã vắn số:

“Ba lại ngày đêm mãi khấn nguyền,
Cho Con cùng Má ở non tiên,
Hoàn toàn siêu thoát và thanh thản,
Ngày tháng tiêu dao hết não phiền.
Rồi khi Ba dứt nợ trần hoàn,
Với Má, Con về lại thế gian,
Để đón Ba đi miền cực lạc,
Cùng nhau đoàn tụ hưởng thanh nhàn”

Lo cho gia đình, lo cho quê hương, những ý nghĩ hẳn làm cho Thầy Huy mỏi mệt. Điều tôi lưu ý trong tâm thức của thầy là lo lắng về vấn nạn chia rẻ, kỳ thị tôn giáo, địa phương, chủng tộc… khiến cho tập thể chúng ta khó chống chọi với sự quỷ quyệt của CSVN, kẻ thù nguy hiểm mãi u mê quyền lực khiến đất nước càng ngày càng tụt hậu, suy đồi. Bài thơ “Việt Nam Thống Nhất” trong thi tập Hồn Việt biểu lộ niềm ưu tư của Thầy. Giống nòi Việt Nam phải đoàn kết với nhau trong công cuộc đấu tranh cam go, diệt giặc trong, chống giặc ngoài:

“Mặc những âm mưu rẽ giống nòi,
Mà người cố dựng mãi không nguôi,
Người dân nước Việt luôn kiên quyết,
Nắm chặt tay nhau chẳng để rời!
Cùng một non sông một giống dòng,
Sao đành chia rẽ Bắc, Nam, Trung,
Muốn dân tộc Việt sinh tồn được,
Phải để hòa chung máu Lạc Hồng”

Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy, hay Thi Sĩ Đằng Phương nói với tuổi trẻ qua bài thơ Thanh Niên Việt Nam:

“Trong lịch sử bốn nghìn năm chiến đấu
Bốn nhìn năm lấy máu đắp giang sơn,
Bốn nghìn năm hoạt động để sinh tồn
Nòi giống Việt vẫn luôn luôn khẳng khái:
Không khuất phục kẻ thù khi thất bại,
Không kiêu căng khinh địch lúc thành công,
Trước khó khăn nguy hiểm chẳng sờn lòng,
Trong sung sướng chẳng cho tàn lữa dũng.
Trải bao luợt đương đầu cùng bão sóng,
Sau mấy lần hưng thịnh tiếp suy vong,
Sống luôn luôn mạnh mẽ, giống Tiên Rồng
Đã nổi tiếng kiêu hùng trên đất Á.
Người dân Việt với tinh thần sắt đá
Không bao giờ quên tổ quốc thiêng liêng,
Lớp này suy, lớp khác tiến ngay lên
Giữ hàng ngũ đấu tranh luôn chặt chẽ.
Trong trận đánh muôn đời không lúc nghỉ
Của giống nòi Hồng Lạc, hạng thanh niên…”

Những người trẻ, thanh niên Việt Nam hãy đứng lên đáp lời sông núi, bao thế hệ đã âm thầm luôn luôn cố gắng, đem máu xương tô điểm non sông, và nâng cao danh dự giống Tiên Rồng, hãy kiêu hãnh những trang sử Lạc Hồng:

“Từ trước đã âm thầm luôn cố gắng
Đem máu xương tô điểm cảnh non sông
Và nâng cao danh dự giống Tiên Rồng.
Thanh niên Việt từ nghìn xưa dũng mãnh
Đã xây đắp cho nước nhà cường thạnh
Đỡ giang sơn trong những lúc khuynh nguỵ
Sử Lạc Hồng từ trước đã từng ghi:
Thanh niên Việt là trụ đồng nước Việt.”

Ðằng Phương Nguyễn Ngọc Huy giữ tình nghĩa thâm sâu với mọi cộng sự viên, ông được mến mộ và kính nể sau bao năm rời cõi dương thế, người người vẫn luyến tiếc, nhắc nhở ông từ tài danh đến đức độ, ông là người của quần chúng. Bút mực vẫn dành cho ông những lời trang trọng về con người của tâm đạo, của gương hy sinh cho nước nhà, của những trí tuệ uyên thâm và của những tư tưởng vì đại nghĩa, những suy tư vì tiền đồ của dân tộc:

“Suốt mấy nghìn năm giống Lạc Hồng
Đã cùng hợp sức đắp non sông,
Đã cùng chung sống trong thân ái
Và phải chung mưa nắng bão bùng”

Hiểm họa Đại Hán từ ngàn năm vẫn đe dọa chúng ta, chống giặc ngoại xâm phương bắc được nhắc nhở trong thơ:

“Dưới ách Trung Hoa mấy bạo tàn,
Tinh thần cố kết vẫn không tan,
Toàn dân hợp lực lo tranh đấu,
Cho đến khi ca khúc khải hoàn”

Những dòng cuối nói về người thầy của tôi, Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy đã suốt đời tận tụy phụng sự quốc gia, lo lắng cho sự tồn vong hay sinh tồn của dân tộc. Những ngày cuối đời Thầy vẫn chưa gác kiếm nghỉ ngơi, dù rằng cơn bệnh ung thư hoành hành đau đớn, Thầy Huy mang tâm niệm kết hợp tập thể tranh đấu cho quê hương:

“Lúc bước chân vào nẻo đấu tranh,
Trên đầu mái tóc hãy còn xanh,
Nửa đời nếm đủ mùi cay đắng,
Giấc mộng ngày xưa vẫn chửa thành”

Cho đến lúc sức yếu hơi tàn, niềm tin trong ông vẫn lạc quan cho một ngày mai Việt Nam tươi sáng, một ngày mai ca khúc khải hoàn quang phục quê hương:

“Ta hãy cười lên đón ánh dương,
Ngày mai sẽ chói rạng quê hương,
Lòng ta đã thoáng nghe văng vẳng,
Tiếng khải hoàn ca đậy phố phường”

Lời kết:

Những nhà cách mạng, những chí sĩ chọn nghiệp tranh đấu cho quê hương, vì giang sơn, vì tổ quốc, như chí sĩ Phan Bội Châu sáng lập Duy Tân Hội, và phát động Phong Trào Duy Tân chống thực dân Pháp, khi bị bắt bỏ tù, Người làm thơ chữ Nôm “Vào ngục Quảng Châu”, vẫn ngạo nghễ đầy nét dí dỏm:

“Vẫn là hào kiệt vẫn phong lưu,
Chạy mỏi chân thì hãy ở tù.
Ðã khách không nhà trong bốn biển,
Lại người có tội giữa năm châu
Bủa tay ôm chặt bồ kinh tế,
Mở miệng cười tan cuộc oán thù.
Thân nọ vẫn còn, còn sự nghiệp,
Bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu.”

Và như Đảng Trưởng Nguyễn Thái Học của Việt Nam Quốc Dân Đảng lãnh đạo cuộc Khởi nghĩa Yên Bái năm 1930. Cuộc khởi nghĩa bất thành, nhưng người hùng nước Nam cho mọi thời đại, dõng dạc kết luận những hành vi của mình không hối tiếc: “Không thành công cũng thành nhân”.

Đôi dòng kết luận này như nén hương lòng kính gởi Thầy Nguyễn Ngọc Huy. Xin cám ơn Thầy, biểu tượng cho một tấm gương sáng ngời vì đại nghĩa và một tinh thần sĩ khí xả thân vì đại cuộc. Ngày 28 tháng 7 năm 1990 Thầy đã ra đi tại Paris, Pháp Quốc,  Tổng Thống Hoa Kỳ George H.W. Bush đã gởi thơ chia buồn kể về Thầy: “…để lại phía sau một cuộc đời phục vụ tận tụy cho dân tộc Việt Nam… xứng đáng làm gương cho các thế hệ mai sau”.

Thật vậy, Thầy là một tấm gương cho các thế hệ mai sau.

Trần Việt Hải

Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết
 
 

***

http://vietvungvinh.com/2011/index.php?option=com_content&view=article&id=436:nho-thay-nguyen-ngoc-
huy-lan-gio-thu-21-tai-san-jose-ngay-6-8-2011&catid=49:chinh-tri-xa-

Leave a comment